THÔNG TIN BỆNH BẠCH HẦU VÀ MỘT SỐ KHUYẾN CÁO PHÒNG, CHỐNG
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Trang thông tin điện tử xã Thanh Xuân giới thiệu thông tin và khuyến cáo một số biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu tại cộng đồng.
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố (Corynebacterium diphtheriae). Bệnh lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn, đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Bệnh có thể gây biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Do thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000.
Năm 2024, nước ta đã ghi nhận 05 ca mắc bệnh bạch hầu (Hà Giang; Nghệ An, Bắc Giang), và đã có tử vong 01 trường hợp tại huyện Kỳ Sơn – Nghệ An.
2. Nguồn truyền nhiễm
Ổ chứa: ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền thường không cố định.
3. Phương thức lây truyền
Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.
Tỷ lệ lây nhiễm khi tiếp xúc gần: Tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu khoảng 21,6% khi có tiền sử tiếp xúc với trường hợp dương tính. Khi tiêm đủ vắc xin hiệu quả bảo vệ 97%. Tỷ lệ tử vong nếu ko được điều trị kịp thời 10 - 20 %, tỷ lệ biến chứng 4,2%.
4. Biểu hiện triệu chứng
- Triệu chứng bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong vòng 2 – 5 ngày sau khi bị nhiễm khuẩn
- Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan
- Các triệu chứng phổ biến khác gồm:
+ Sốt
+ Ớn lạnh
+ Sưng các tuyến ở cổ
+ Ho ông ổng
+ Viêm họng, sưng họng
+ Chảy nước dãi
+ Có cảm giác lo lắng, sợ hãi
- Bên cạnh đó còn có một số triệu chứng khác có thể xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển:
+ Khó thở hoặc khó nuốt
+ Nói lắp
+ Các dấu hiệu sốc (da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh)
5. Điều trị
Nguyên tắc điều trị: Phát hiện sớm, cách ly khi phát hiện ca bệnh; Sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh ngay Sđể ngăn chặn các biến chứng để giảm tử vong. Theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng. Chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
6. Khuyến cáo người dân trong công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
- Tiêm chủng vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh./.
Ban Biên tập trang thông tin điện tử xã Thanh Xuân
Cộng tác viên: Vi Hồng Trung - Nhân viên Trạm Y tế xã
- Thông báo niêm yết công khai danh sách các thôn đề nghị Chủ tịch UBND huyện xét tặng danh hiệu “Thôn văn hóa” năm 2024
- Xã Thanh Xuân tổ chức khám sơ tuyển nghĩa vụ Quân sự, nghĩa vụ Công an Nhân dân năm 2025
- Bài truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh
- THÔNG TIN BỆNH BẠCH HẦU VÀ MỘT SỐ KHUYẾN CÁO PHÒNG, CHỐNG
- BÀI TRUYỀN THÔNG VỀ TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG CHO TRẺ EM
- Bài tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước, bảo vệ an toàn cho trẻ em trong dịp hè
- Hội đồng nhân dân xã Thanh Xuân khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND xã
- Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Theo Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 1 năm 2022 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và tuyên truyền tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024
- Bài truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289