Bài tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước, bảo vệ an toàn cho trẻ em trong dịp hè
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp tử vong vì đuối nước, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tai nạn đuối nước là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với trẻ em để lại hậu quả thương tâm cho gia đình và xã hội.
Đặc biệt thời điểm hiện nay là vào dịp hè, học sinh được nghỉ hè và cũng vào thời điểm này hàng năm tỉ lệ tử vong do đuối nước ở lứa tuổi trẻ em cao nhất, tại các thôn trên địa bàn xã có nhiều ao, hồ nước sâu tự nhiên xen kẽ trong các khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đuối nước đối với trẻ em nếu thiếu các biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em và các em thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu và tự cứu đuối nước.
Để các em học sinh có một kỳ nghỉ hè an toàn và bổ ích, Ban Biên tập Trang Thông tin xã Thanh Xuân giới thiệu đến các bậc phụ huynh, các em học sinh một số biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước, bảo vệ an toàn cho trẻ em trong dịp hè.
1. Đuối nước là gì ?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đuối nước là hiện tượng mà khí quản của người lớn hay trẻ nhỏ bị một chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới khó thở. Hậu quả của ngạt thở lâu có thể là tử vong (chết đuối) hoặc không tử vong, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh. Ngoài ra, cũng có quan niệm ngắn gọn hơn, đuối nước là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.
Đuối nước là một tai nạn bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng và khó lường trước được và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi học sinh.
Khi có sự xâm nhập đột ngột của nước hoặc chất dịch vào đường thở như: mũi, miệng , khí quản, phế quản, phổi. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể bị chết hoặc để lại di chứng rất nặng nề.
2. Nguyên nhân gây đuối nước:
- Đuối nước thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh vì trẻ do bản tính hiếu động, tò mò còn đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình.
Do môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.
- Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi…
3. Phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em:
- Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ.
- Không chơi ở những nơi gần sông, hồ, sông suối khi không có người lớn đi cùng.
* Những nguyên tắc an toàn khi bơi:
+ Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối.
+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Phải khởi động trước khi xuống nước.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
+ Không dùng các phao bơm hơi.
+ Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi, kèm.
+ Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.
4. Xử lí khi gặp tai nạn đuối nước:
Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dài, chắc từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên.
- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:
+ Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, dùng miệng áp miệng thổi ngạt cho nạn nhân. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không. Nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, đặt bàn tay phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
+ Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.
- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cơ thể bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Để tránh những rủi ro đáng tiếc cho trẻ em, các bậc phụ huynh nên tăng cường nhắc nhở con em tập bơi ở các trường dạy bơi có sự hướng dẫn của giáo viên dạy bơi, giúp các em có kỹ năng bơi tốt, chống đuối nước để các em có một kỳ nghỉ hè thật sự vui vẻ, an toàn và bổ ích.
Ban Biên tập Trang thông tin điện tử xã Thanh Xuân
- Thông báo niêm yết công khai danh sách các thôn đề nghị Chủ tịch UBND huyện xét tặng danh hiệu “Thôn văn hóa” năm 2024
- Xã Thanh Xuân tổ chức khám sơ tuyển nghĩa vụ Quân sự, nghĩa vụ Công an Nhân dân năm 2025
- Bài truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh
- THÔNG TIN BỆNH BẠCH HẦU VÀ MỘT SỐ KHUYẾN CÁO PHÒNG, CHỐNG
- BÀI TRUYỀN THÔNG VỀ TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG CHO TRẺ EM
- Bài tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước, bảo vệ an toàn cho trẻ em trong dịp hè
- Hội đồng nhân dân xã Thanh Xuân khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND xã
- Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Theo Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 1 năm 2022 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và tuyên truyền tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024
- Bài truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289