Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử Xã Thanh Xuân - Huyện Như Xuân - Tỉnh Thanh Hoá

HIỆU QUẢ TỪ XƯỞNG MAY GIA CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN XÃ THANH XUÂN

Đăng lúc: 00:00:00 05/08/2022 (GMT+7)
100%
Print

Trong thời gian gần đây trên địa bàn huyện Như Xuân nói chung và xã Thanh Xuân nói riêng đã hình thành các cơ sở may gia công. Sự ra đời của các cơ sở may gia công đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là lao động nữ trên đia bàn; mô hình này không chỉ góp phần nhân cấy nghề mới, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn mà còn thu hút khá nhiều lao động nữ đi làm xa nhà trở về làm việc.

Nhận thấy hiệu quả từ việc mở các xưởng may gia công ngay tại địa bàn quê nhà, anh Vi Văn Vững - Bí thư, trưởng thôn Lâm Chính là một trong những người đi tiên phong trong việc liên kết với các nhà máy, xưởng may lớn trên địa bàn tỉnh để tìm kiếm nguồn hàng, công việc về mở xưởng tại nhà. Ban đầu anh Vi Văn Vững đã liên kết với công ty TNHH HT 81 liên kết với các tập đoàn may túi cho siêu thị như TASLA... đặt 20 máy may tại nhà và thu hút được 20 nhân công đa phần là chị em phụ nữ trong thôn, trong xã tham gia. Với tinh thần của một Đảng viên giám nghĩ, dám làm anh Vững đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 200 triệu đồng để xây dựng mở rộng xưởng may; đến nay anh Vững đã sở hữu xưởng may rộng  250 m2, thu hút 25 nhân công lao động, thu nhập bình quân mỗi nhân công dao động từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

MAY 1.jpg

Xưởng may gia công không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho những người trong độ tuổi lao động, khỏe mạnh mà còn tạo việc làm cho những người tuổi cao nhưng vẫn còn sức khỏe, những người sức khỏe yếu không thể lao động nặng nhọc. Trường hợp như bà Lê Thị Phú là một ví dụ, bà Phú năm nay đã gần 70 tuổi, tuy tuổi cao nhưng sức khỏe của bà còn rất tốt, hàng ngày bà ở nhà quanh quẩn với đám vườn và chăn vài con gà thu nhập gần như không có, chỉ trông chờ vào tiền của con cháu đi làm ăn xa gửi về. Từ ngày có xưởng may gia công tại nhà anh Vững Trưởng thôn bà nhận ngay công việc là gấp túi để làm; bà Phú hồ hởi kể với tôi là tháng trước bà nhận lương được 4 triệu đồng, bà mừng lắm vừa có việc làm, vừa có thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày đỡ phải mong ngóng tiền của con cháu gửi về. Đối với bản thân và gia đình anh Vi Văn Vững cũng là một ví dụ điển hình; với phụ cấp ít ỏi từ chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn Lâm Chính chỉ hơn 3 triệu đồng/ tháng không đủ để trang trải cuộc sống, đã có rất nhiều lần anh Vững muốn bỏ nghề, bỏ quê để đi làm ăn xa nhưng được bà con nhân dân tin tưởng anh vẫn quyết định ở nhà; nay nhờ việc mở xưởng may và phụ trách thêm công việc quản lý công nhân mỗi tháng anh có thêm 6 triệu tiền thu nhập; bên cạnh đó mẹ và em trai cũng có việc làm ngay tại nhà. Có việc làm, có thu nhập ổn định hàng tháng giúp anh có tiền trang trải cuộc sông, yên tâm với công việc hiện tại. Trao đổi với tôi anh Vững có chia sẻ, mong muốn của anh hiện tại là có thêm nguồn vốn, có các nhà đầu tư để mua thêm máy móc và các trang thiết bị để mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều chị em lao động nông thôn trên địa bàn xã. Hiện tại xưởng may của anh Vững có sức chứa tới hơn 50 công nhân, tuy nhiên mới có 25 máy may và tạo việc làm cho 25 công nhân.

MAY 4.jpg 

Xưởng may được xây dựng trên quê nhà không chỉ giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn mà còn thu hút nhiều lao động làm ăn xa quê trở về làm việc. Như trường hợp của chị Lục Thị Tiến, thôn Lâm Chính từng là công nhân may tại huyện Như Thanh, hàng ngày chị đi xe máy hơn 30 km xuống huyên Như Thanh để làm việc, đi sớm, về muộn, đi đường lại nguy hiểm và vất vả nên chị xin về làm việc làm ở xưởng may gia công tại địa phương. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, và đã thạo tay nghề nên thu nhập của chị luôn đạt hơn 6 triệu đồng/tháng.

MAY 3.jpg

Nghề may gia công là nghề không đòi hỏi kỹ thuật cao. Người lao động không biết may chỉ cần học khoảng 1 tuần là đã có thể may được. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Những năm gần đây UBND huyện Như Xuân cũng đã chú trọng mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Đối với xã Thanh Xuân, năm 2020 UBND - Hội liện hiệp phụ nữ xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Như Xuân mở lớp may công nghiệp cho 30 chị em lao động nông thôn trên địa bàn xã; đến nay các chị hầu hết đã thạo tay nghề và đi làm tại một số công ty may mặc trên địa bàn tỉnh và xưởng may ở trên phương; đem lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống gia đình.

may vững.jpg

Thực tế cho thấy, sự ra đời của những xưởng, cơ sở may gia công thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho lao động trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo ngay tại quê hương.

 Tin bài: Hồng Nghĩa

          

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289