HƯỚNG DẪN MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT LÀM ĐẤT; NGÂM, Ủ VÀ CHĂM SÓC MẠ CHUẨN BỊ GIEO CẤY LÚA VỤ THU MÙA NĂM 2023

Ảnh 1: Diện tích ruộng tại thôn Thanh Bình, xã Thanh Xuân
1. Về thời vụ:
- Vụ mùa cần gieo cấy sớm (ngay sau khi thu hoạch vụ chiêm - xuân) để tranh thủ thời vụ: Khi lúa cấy sớm sẽ nhanh bén chân, đẻ nhánh sớm, có khả năng chống chịu sâu bệnh và ngoại cảnh tốt hơn, giải phóng đất cho vụ đông năm 2023.
- Bà con cần chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón phục vụ sản xuất, tập trung cấy trà lúa mùa sớm xong trước ngày 20/6; trà lúa mùa chính vụ cấy xong trước ngày 10/7; trà lúa mùa muộn cấy xong trước ngày 20/7 (áp dụng đối với diện tích thường xuyên bị ngập úng, ven sông, ven suối).
Chuẩn bị đủ lượng giống lúa ngắn ngày như: KM18, Thiên ưu 8, Đài thơm 8,.... để dự phòng gieo cấy bổ sung cho những diện tích có khả năng bị ngập úng khi mưa lớn xảy ra làm mạ và lúa bị chết, rà soát những diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả, những diện tích thường xuyên thiếu nước nên chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ảnh 2: Nông dân thôn Đồng Phống đang giải phóng đất
2. Làm đất:
- Ngay sau khi gặt xong lúa xuân, phải cày lật đất ngay, kết hợp với bón 10 - 15kg vôi bột/sào (tùy chân đất) để gốc rạ nhanh phân hủy, không phát sinh bệnh vàng lá nghẹt rễ sau này. Nếu ruộng dùng cày máy, cần dùng máy có bánh lồng vùi gốc rạ cho dập nát trước khi bón vôi, cày lật đất để gốc rạ chóng phân hủy. Ruộng dùng sức kéo của trâu bò, cần cắt ngắn gốc rạ trước khi cày lật đất làm cho gốc rạ nhanh chóng phân hủy.
Ảnh 3 + Ảnh 4: Khu ruộng thôn Thanh Đồng, xã Thanh Xuân
- Để giúp cho đất nhanh ngấu, bà con nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học như Azotobacterin, Trichoderma, Sumitri ... Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu cung cấp vi sinh vật cho đất, làm tăng độ tơi xốp và sự liên kết các chất hữu cơ trong đất, tăng sức đề kháng cho cây giúp cân bằng sinh thái. Đặc biệt làm gốc rạ nhanh phân hủy, giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xảy ra trong vụ mùa.
Chế phẩm Sumitri - Nguồn Internet
Ruộng lúa sau khi được xử lý rơm rạ vụ trước bằng chế phẩm SUMITRI
- Nguồn Internet
Để sử dụng SUMITRI hiệu quả bà con nông dân nên thực hiện đúng quy trình hướng dẫn đã được ghi trên bao bì của sản phẩm.
Cách thứ nhất: xử lý ngay sau khi thu hoạch lúa vụ chiêm xuân: sau khi gặt lúa chúng ta đưa nước vào ruộng với mực nước ngập mặt ruộngtừ 5 đến 10cm. Sau đó rải SUMITRI (có thể pha với nước để phun hoặc trộm với đất bột rải đều ra mặt ruộng), tiếp theo lồng trục một lượt cho đảo đều SUMITRI và đứt gốc rạ, rồi tiến hành ngâm giữ nước khoảng 10ngày (khi thời tiết nắng, nhiệt độ cao thời gian ngâm gữ nước được rút ngắn lại). Sau thời gian ngâm, rơm rạ sẽ mục thành phân bón, đồng thời các hạt lúa rơi rớt lại, hạt lúa ma, hạt cỏ dại chưa mọc mầm sẽ bị thối không thể nảy mầm.
Cách thứ hai: Trộn SUMITRI cùng phân bón lót rải ra ruộng ngay trước khi cấy hoặc gieo trực tiếp (mà không ảnh hưởng đến cây lúa mới cấy hay mầm hạt mới gieo): Với cách thứ hai này chỉ giúp phân hủy rơm, gốc rạ thành phân bón mà không thể làm thối được hạt lúa rơi rớt lại và hạt cỏ dại.
Cách thứ ba: Trộn SUMITRI với phân bón thúc lần thứ nhất để bón. Với cách thứ ba này chỉ giúp cây lúa không bị nghẹt rễ, vàng lá và ngộ độc hữu cơ.
Liều lượng sử dụng: 01 gói 125g sử dụng cho 01 sào 360m2.
3. Kỹ thuật xử lý, ngâm ủ hạt giống:
* Xử lý hạt giống: Nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh trên hạt giống. Xử lý bằng một trong hai cách sau:
- Xử lý bằng nước nóng 540C (3 sôi + 2 lạnh): Cứ 1 phần thóc giống cần 3- 4 thể tích nước nóng 540C, ngâm trong thời gian 15- 20 phút, sau đó tiếp tục đổ nước sạch vào ngâm bình thường, có tác dụng diệt trừ nấm bệnh và tuyến trùng trên hạt giống, tạo cho hạt giống hút nước nhanh.
- Xử lý bằng nước vôi: Ngâm hạt giống vào nước vôi trong 2% (dùng 0,2 kg vôi hòa tan trong 10 lít nước, gạn lấy nước trong đem xử lý hạt giống), thời gian ngâm xử lý từ 8 - 10 giờ, sau đó vớt ra đãi sạch rồi ngâm theo quy trình.
- Đối với các giống lúa thuần, lúa nếp chuyển vụ (thu hoạch vụ Xuân chuyển sang gieo trồng vụ Mùa), bắt buộc phải phá ngủ nghỉ. Dùng 1,5- 2 kg supe lân hòa với 2- 3 lít nước sạch, khuấy đều, gạn lấy nước trong đem ngâm với 10 kg thóc giống, thêm nước cho ngập hạt giống, ngâm liên tục trong vòng 25 giờ, sau đó vớt ra, rửa sạch rồi ngâm tiếp bằng nước sạch (thời gian ngâm tùy theo giống).
* Kỹ thuật ngâm ủ:
- Thời gian ngâm hạt giống trong nước sạch từ 16- 24 giờ (đối với lúa lai), 24 - 30 giờ (đối với lúa thuần), cho nước ngập trên hạt giống ít nhất 20 cm, cứ 6 - 8 giờ thay nước một lần. Hạt thóc đủ tiêu chuẩn đem ủ phải no nước, mép hạt hơi sưng, vỏ trấu trong suốt. Đem đãi sạch, để ráo, ủ vào trong bao vải hoặc trong thúng, phủ bao vải ẩm lên trên miệng thúng.
- Thời gian ủ thúc mầm đối với lúa lai từ 12- 16 giờ, đối với lúa thuần từ 24- 30 giờ. Trong quá trình ủ, cứ 6- 8 giờ kiểm tra một lần, nếu hạt khô phun thêm nước và đảo trộn lại hạt giống; nếu quá nóng, có mùi chua thì tán mỏng đống ủ để hạ nhiệt sau đó đãi sạch chua, để ráo nước rồi ủ tiếp, tránh hiện tượng bốc nóng làm hỏng giống. Khi mầm dài bằng 1/3 hạt thóc thì đem gieo.
4. Làm đất, gieo, chăm sóc mạ
- Đất gieo mạ phải cày bừa kỹ, sạch cỏ dại; bón lót 7 - 10 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg supe lân cho 10m2 đất mạ. Lên luống rộng 1 - 1,2 m, mặt luống trang phẳng, không đọng nước. Gieo mạ vào chiều tối, gieo đều, gieo thưa để cây mạ to, khỏe, gieo mạnh tay cho mộng lún sâu (kín hạt).
Gieo mạ xong cần đậy lưới để chống chuột, châu chấu phá mạ non, thường xuyên kiểm tra duy trì độ ẩm cho mạ bằng cách tưới hay dẫn nước vào ruộng mạ.
+ Khi mạ có 2-4 lá, bón thúc lượng phân 2-3 kg kali Clorua và 2-3 kg urê.
+ Nếu cây mạ đanh dảnh, hơi có màu vàng thì bón thêm 2 kg ure/500 m2 trước khi nhổ đi cấy từ 2-3 ngày gọi là bón tiễn chân mạ.
Trước khi đưa mạ ra ruộng cấy 3 – 5 ngày phun tiễn chân mạ: dùng siêu lân + thuốc trừ rầy + khô vằn để phòng trừ rầy và khô vằn ngay trên mạ hạn chế nguy cơ lây lan của bệnh lùn sọc đen.
Ảnh 5: Diện tích mạ tại khu vực chân núi đá thôn Đồng Phống, xã Thanh Xuân
Ảnh 6: Diện tích mạ mới gieo tại thôn Thanh Bình, xã Thanh Xuân
Kính chúc bà con nông dân xã nhà nhiều sức khỏe và
có một vụ sản xuất lúa bội thu !
Sưu tầm và biên soạn:
Ban Biên tập Đài Truyền thanh xã Thanh Xuân
- Bài tuyên truyền Về dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích
- Bài tuyên truyền cải cách hành chính năm 2024
- Hướng dẫn đăng ký dịch vụ công trực tuyến
- Thông báo niêm yết công khai danh sách các thôn đề nghị Chủ tịch UBND huyện xét tặng danh hiệu “Thôn văn hóa” năm 2024
- Xã Thanh Xuân tổ chức khám sơ tuyển nghĩa vụ Quân sự, nghĩa vụ Công an Nhân dân năm 2025
- Bài truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh
- THÔNG TIN BỆNH BẠCH HẦU VÀ MỘT SỐ KHUYẾN CÁO PHÒNG, CHỐNG
- BÀI TRUYỀN THÔNG VỀ TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG CHO TRẺ EM
- Bài tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước, bảo vệ an toàn cho trẻ em trong dịp hè
- Hội đồng nhân dân xã Thanh Xuân khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND xã
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289